Thị lực của bạn - Nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi

KIỂM SOÁT CẬN THỊ TRONG BAO LÂU?

KIỂM SOÁT CẬN THỊ TRONG BAO LÂU?

Vì sao nên kiểm soát cận thị? Nếu kiểm soát cận thị thì sẽ mất bao nhiêu thời gian? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây để tìm ra câu trả lời nhé!

Hiện tại, các phương pháp kiểm soát cận thị phổ biến bao gồm: thuốc nhỏ mắt Atropine liều thấp, kính áp tròng chỉnh hình giác mạc đeo khi ngủ Ortho-K và kính gọng với tròng kính kiểm soát cận thị. Ba phương pháp trên đã được áp dụng rộng rãi không chỉ ở các bệnh viện, phòng khám ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Hiệu quả và an toàn là ưu điểm chung của các phương pháp kể trên.

https://i.imgur.com/ioygEG3.jpg

Trẻ sử dụng Atropine nhỏ mắt để kiểm soát tốc độ tăng cận (Nguồn Internet)

Ngoài thắc mắc về tính hiệu quả và an toàn của các phương pháp, các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm tới việc kiểm soát cận thị trong bao lâu, tới khi nào thì ngưng. Về cơ bản, các bác sĩ sẽ cân nhắc ngưng kiểm soát cận thị khi tình trạng cận thị của trẻ ngưng tiến triển hoặc trẻ đủ 18 tuổi và có nhu cầu phẫu thuật khúc xạ.

Đối với thuốc nhỏ mắt Atropine, thời gian theo dõi sẽ là 2 năm. Sau 2 năm, trẻ sẽ được khám và đánh giá xem độ khúc xạ đã ổn định chưa hay độ cận của trẻ vẫn tiếp tục tiến triển để đưa ra quyết định ngưng hay tiếp tục sử dụng thuốc nhỏ mắt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng một nửa số trẻ em bị cận thị ngừng tiến triển ở tuổi 16 nhưng cho đến hiện tại, vẫn không có sự thống nhất chắc chắn về thời điểm cận thị ngừng tiến triển.

Đối với Ortho-K, ngoài giúp kiểm soát cận thị, phương pháp này còn giúp giải phóng trẻ khỏi kính gọng, qua đó tăng tính thẩm mĩ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, thời gian sử dụng Ortho-K không bị giới hạn và trẻ có thể tiếp tục sử dụng ở tuổi trưởng thành nếu vẫn có nhu cầu.

Đối với kính gọng có tròng kính kiểm soát cận thị, đây là một phương pháp an toàn và dễ sử dụng nhất. Do đó, về thời gian sử dụng kính gọng, phụ huynh sẽ “tự do” hơn trong việc cho con mình sử dụng loại tròng đặc biệt này mà không cần phải theo dõi chặt chẽ như hai phương pháp trên.

https://i.imgur.com/Ye4Vrn4.jpg

Bé trai khám mắt định kì trong quá trình kiểm soát cận thị (Nguồn: Hai Yen Eye Care)

Bên cạnh đó, cho dù trẻ có ngưng kiểm soát cận thị thì trẻ vẫn cần được theo dõi, tái khám định kì theo chỉ định của Bác sĩ. Bởi lẽ, những mắt cận thị, đặc biệt là những mắt cận trên 5-6 độ hoặc có chiều dài trục nhãn cầu dài hơn 26mm, có nguy cơ mắc bệnh hoàng điểm và võng mạc gấp nhiều lần so với những mắt bình thường. Do đó việc khám mắt định kì là hết sức cần thiết để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý mắt nếu có.

Vì vậy, phụ huynh và trẻ cần phải tuân thủ đối với phương pháp mà mình chọn, để đạt hiệu quả tốt nhất và xác định được thời điểm ngưng điều trị đúng và phù hợp nhất.

CNKX. Trần Thị Hạnh Nhi

Bài trước Bài sau