Thị lực của bạn - Nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi

CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT CẬN THỊ

CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT CẬN THỊ

Kiểm soát cận thị dùng để chỉ những phương pháp giúp làm chậm tốc độ tiến triển cận thị ở trẻ em và thường được chỉ định bởi bác sĩ Nhãn khoa hoặc cử nhân Khúc xạ Nhãn khoa.

 Nice

Trước tình trạng cận thị ngày càng phổ biển ở trẻ em hiện nay, các phương pháp kiểm soát cận thị ngày càng được ứng dụng rộng rãi nhằm mục tiêu hạn chế tăng độ và bảo vệ mắt trẻ khỏi nguy cơ mắc biến chứng đe dọa thị lực trong tương lai. Những nghiên cứu khoa học đã cho thấy các phương pháp có hiệu quả trong kiểm soát cận thị ở trẻ em bao gồm:

Thuốc nhỏ mắt Atropine liều thấp

- Kính áp tròng đeo ban đêm Ortho-K

Kính gọng kiểm soát cận thị

Thuốc nhỏ mắt Atropine liều thấp

Atropine liều thấp được xem là phương pháp kiểm soát cận thị hiệu quả nhất hiện nay với hiệu quả kiểm soát cận thị lên đến 59% (theo nghiên cứu LAMP). Thuốc nhỏ mắt được sử dụng vào mỗi tối trước khi đi ngủ cho trẻ từ 6 đến 17 tuổi, thường trong vòng 2 năm. Đồng thời, Atropine liều thấp cũng cho thấy ít tác dụng phụ nhất (như nhạy cảm ánh sáng và mờ khi nhìn gần).

Cùng với sự tiện lợi, dễ sử dụng và an toàn, hiệu quả làm chậm tốc độ tăng cận thị tối ưu, Atropine liều thấp ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần mang kính gọng hoặc kính áp tròng hỗ trợ để giúp nhìn rõ khi điều trị kiểm soát cận thị bằng phương pháp này.

  https://i.imgur.com/f9qnXlT.jpg

Hình minh họa bé gái nhỏ Atropine liều thấp (nguồn: Internet)

Kính áp tròng đeo ban đêm Ortho-K

Ortho-K là một loại kính áp tròng cứng thấm khí đặt vào mắt khi ngủ để điều chỉnh tật khúc xạ như cận thị, loạn thị hoặc viễn thị bằng cách chỉnh hình tạm thời giác mạc thông qua lớp nước mắt dưới kính. Do đó, Ortho-K giúp cải thiện thị lực, hạn chế phụ thuộc vào kính gọng và có hiệu quả kiểm soát cận thị đến 50%. Ortho-K giúp trẻ tự tin hơn vì không chỉ được kiểm soát cận thị, trẻ còn có thể nhìn rõ cả ngày mà không cần đeo kính gọng, đặc biệt phù hợp với những trẻ năng động, thích chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bơi lội, v.v...

Để phòng tránh các nguy cơ nhiễm trùng khi đeo kính áp tròng, việc tuân thủ hướng dẫn sử dụng kính Ortho-K và lịch tái khám là đặc biệt quan trọng. Cùng với sự theo dõi chặt chẽ của Bác sĩ và Cử nhân khúc xạ nhãn khoa thì Ortho-K là phương pháp điều trị ít nguy cơ với khả năng thành công cao.

https://i.imgur.com/TRkaXCV.jpg

Hình minh họa bé trai sử dụng kính áp tròng ban đêm Ortho K (nguồn: Internet)

Kính gọng kiểm soát cận thị

Đây là phương pháp điều trị kiểm soát cận thị ở trẻ em mọi độ tuổi, tiện dụng, thoải mái và không có tác dụng phụ. Tròng kính kiểm soát cận thị được thiết kế khác với tròng kính thông thường. Tròng kính kiểm soát cận thị bao gồm những vùng có tiêu cự khác nhau: vùng trung tâm điều chỉnh cận thị và vùng ngoại biên với nhiều tiêu cự khác nhau có tác dụng kiểm soát cận thị. Các nghiên cứu cho thấy phương pháp này có hiệu quả kiểm soát cận thị từ 28% đến 62% tùy thuộc vào thiết kế tròng kính.

Đồng thời, có thể tích hợp thêm các lớp phủ cho tròng kính như ngăn tia cực tím, chắn ánh sáng xanh nhằm bảo vệ mắt khi sinh hoạt ngoài trời, hoặc khi phải làm việc thường xuyên với các thiết bị điện tử. Ngoài ra, còn có các lớp phủ tráng cứng giúp bảo vệ tròng kính khỏi trầy xước, đảm bảo độ trong suốt nhằm duy trì được chất lượng thị giác qua kính tốt nhất cho trẻ.

https://i.imgur.com/pxx9jkd.jpg

Hình minh họa bé trai kiểm soát cận thị bằng kính gọng (nguồn: Internet)

Để biết trẻ phù hợp với phương pháp kiểm soát cận thị nào, trẻ cần được thăm khám kỹ lưỡng về đặc điểm, tình trạng mắt, hỏi thăm về các nhu cầu và tư vấn chuyên sâu trước khi đưa ra quyết định về phương pháp kiểm soát cận thị sẽ áp dụng về mặt đường dài.

CNKX. Trương Uyên Trang

Bài sau